Theo bác sĩ Hà Hải Nam (Phó trưởng khoa ngoại tiêu hóa 1, Bệnh Viện K Hà Nội ) cho biết: “Cứ mỗi lần tái sử dụng dầu ăn để chiên, xào, hàm lượng chất béo chuyển hóa sẽ tăng lên từ 2-6 lần, chất béo trung tính (loại không gây hại) bị phân hủy, oxy hóa các gốc acid béo tự do, giải phóng một chất gây ung thư có tên Acrolein. Dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần cũng không còn giá trị dinh dưỡng như ban đầu”.
Sử dụng dầu ăn hầu như là việc làm mỗi ngày của các gia đình, dù ít hay nhiều chúng ta đều dùng chúng để chiên, xào.
Đối với việc sử dụng dầu ăn để chiên đồ ăn ta thường phải chiên ngập dầu thì chúng mới đạt được độ giòn, ngon chẳng hạn như dùng cho cá chiên, gà chiên,… chiên ngập dầu đồng nghĩa với lượng dầu dư sau đó rất nhiều, bỏ đi thì uổng phí, mới chiên một lần còn rất mới, nên việc lựa chọn giữ lại tái sử dụng được nhiều chị em thường làm nhằm tiết kiệm hơn đúng không?
Có rất nhiều cách để tái sử dụng dầu ăn như dùng màng lọc, giấy lọc dầu để lọc các cặn thức ăn và thu về lớp dầu sạch như ta mong muốn.
Nhưng liệu có những nguy hiểm gì khi sử dụng lại dầu ăn sau một lần chiên ?
Nhiệt độ cao sẽ phá vỡ các thành phần dinh dưỡng trong dầu mỡ. Nhiệt độ sôi của dầu chính là giới hạn an toàn cho sức khỏe, như dầu oliu 190 độ C, dầu lạc 230 độ C, dầu vừng 177 độ C, dầu đậu nành 240 độ C, mỡ lợn 130 đến 200 độ C. Trong khi, mức nhiệt được khuyến cáo là dưới 180 độ C. Nếu trên mức nhiệt này, thức ăn sẽ sản sinh chất Acrylamide, một chất gây ung thư đã được Bộ Y tế khuyến cáo. Lưu ý, kể cả chiên dầu với nhiệt độ vừa phải nhưng quá lâu cũng sinh ra độc tố, nhất là thức ăn chứa tinh bột, đường như bánh bao, bánh rán, đồ tẩm bột.
Vậy tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, chúng ta nên hạn chế tái sử dụng lại dầu ăn đã qua sử dụng.
Và đặc biệt, không nên đổ dầu thừa xuống bồn rửa bát hay thùng rác, nên đổ vào chai lọ và liên hệ với những đơn vị thu gom dầu ăn thừa để sử dụng sản xuất dầu Biodiesel giúp bảo vệ môi trường.
(Theo Apeiron Bioenergy).